Cập nhật : 8:48 Thứ ba, 12/4/2022
Lượt đọc: 300

Kế hoạch triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2022

Ngày ban hành: 12/4/2022Ngày hiệu lực: 12/4/2022
Người ký: Phạm Thị Huyền
Nội dung:

UBND QUẬN HẢI AN

TRƯỜNG TIỂU HỌC THÀNH TÔ

Số: /KH-THTT

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


Hải An, ngày 12 tháng 4 năm 2022

 

 

KẾ HOẠCH

Triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy

 và cứu nạn, cứu hộ năm 2022

 

- Thực hiện Kế hoạch số 88/KH-UBND ngày 08/04/2022 của Ủy ban nhân dân quận Hải An. Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy; Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy

Trường Tiểu học Thành Tô xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ như sau:

 I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong toàn ngành về công tác phòng ngừa cháy, nổ; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể của nhà trường trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại đơn vị. Hạn chế đến mức thấp nhất số vụ và thiệt hại do cháy, nổ, sự cố, tai nạn gây ra tại đơn vị.

- Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CNCH).  

- Nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong việc tổ chức, triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC& CNCH qua đó phát huy tối đa trách nhiệm trong công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội PCCC& CNCH theo phương châm 4 tại chỗ: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ.

- Nắm chắc tình hình khả năng và nguy cơ xảy ra cháy, nổ từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời những sơ hở thiếu sót về phòng cháy và chữa cháy. Nâng cao ý thức trách nhiệm về công tác phòng cháy chữa cháy, tinh thần cảnh giác cẩn trọng trong sinh hoạt, học tập … Chú trọng nội dung phòng cháy chữa cháy nhằm giảm tỷ lệ tai nạn thương tích trong trường học.

- Thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các quy định về PCCC& CNCH, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và phát động phong trào quần chúng tham gia hoạt động PCCC đặc biệt là trong trường học.

- Việc triển khai phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đảm bảo đúng chức năng và phân công nhiệm vụ của kế hoạch này. Chấp hành chế độ thông tin, báo cáo về công tác PCCC và CNCH theo quy định.

II. NỘI DUNG

1. Công tác tuyên truyền vận động

           - Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy và chữa cháy; Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 03/3/2015 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa chảy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hải Phòng;

           - Triển khai Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC và các thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an về hướng dẫn, thi hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

           - Quán triệt, thực hiện nghiêm túc Luật PCCC, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, các chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Quốc hội, Bộ Công an về công tác PCCC và CNCH.

- Tuyên truyền Chỉ thị số 1634/CT-TTG, ngày 31 tháng 8 năm 2010 của thủ tướng chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách trọng tâm trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, đặc biệt là với lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm  về công tác phòng cháy

- Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 29/03/2021 của Ủy ban nhân dân quận Hải An về Kế hoạch Triển khai thực hiện Nghị định số 136/2010/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và các Thông tư của Bộ Công an về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;

          - Thực hiện các hình thức tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy bằng băng rôn, khẩu hiệu, tranh ảnh phản ánh các hoạt động về công tác PCCC.

- Thường xuyên nhắc nhở CBGV, NV và học sinh có ý thức tốt trong việc phòng cháy chữa cháy, tuyệt đối nghiêm chỉnh chấp hành đúng nội quy PCCC.

- Tổ chức cho lực lượng PCCC tại chỗ học tập tính năng tác dụng và cách sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ theo sự hướng dẫn của Cơ quan PCCC chuyên nghiệp.

- Theo thời gian định kỳ, tổ chức kiểm tra trang thiết bị PCCC và thực tập PCCC.

- Khi hết giờ làm việc phải kiểm tra, tắt máy, tắt cầu dao điện trong các khu vực.

- Thường xuyên vệ sinh thiết bị máy móc, hệ thống điện.

- CBGV, NV khi nhận được điện thoại thông báo phải nhanh chóng đến hiện trường để phối hợp chữa cháy, cứu tài liệu, tài sản của nhà trường.

2. Công tác kiểm tra phòng cháy chữa cháy:

  • Chủ động phối hợp với lực lượng cảnh sát PCCC để bồi dưỡng nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong công tác bảo vệ tài sản công và con người
  • -Rà soát, bố trí lực lượng, tranh bị phương tiện chữa cháy tại chỗ để bảo vệ, tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nếu phát sinh sự cố cháy nổ;
  • Triển khai công tác tự kiểm tra và chủ động khắc phục những thiếu sót trong công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, đề ra biện pháp khắc phục và hoàn chỉnh các phương án phòng cháy, chữa cháy.
  • Nghiêm túc chấp hành các qui định về phòng chống cháy nổ. Xây dựng phương án chữa cháy, trang bị đủ những phương tiện phòng cháy chữa cháy theo quy định, bố trí các bình chữa cháy ở những khu vực hợp lý, dễ thấy như: dãy phòng học, thư viện, thiết bị, cầu thang. Chỉ đạo các các bộ phận thường xuyên học tập cách sử dụng các phương tiện phòng cháy chữa cháy.
  • Sắp xếp hệ thống tủ, bàn ghế, máy tính, hồ sơ lưu và các thiết bị khác trong văn phòng, phòng làm việc, phòng học,… khoa học, gọn gàng để hạn chế thiệt hại khi có sự cố xảy ra.

              - Thường xuyên kiểm tra an toàn, phòng cháy chữa cháy cụ thể: Tiến hành kiểm tra hệ thống điện trong phòng vi tính, phòng làm việc của Hiệu trưởng, phòng giáo viên, bếp ăn bán trú và các phòng học…

  • Thường xuyên kiểm tra vệ sinh khuôn viên nhà trường, kiểm tra việc xử lý rác sau mỗi buổi học ở nhà trường.

- Kiểm tra lại các dụng cụ cần thiết để phòng cháy chữa cháy: bình C02, các tiêu lệnh phòng cháy chữa cháy...

- Kiểm tra tình trạng các phương tiện chữa cháy, biến báo, biển cấm, tiêu lệnh, nội dung phòng cháy, chữa cháy, cứu hạn, cứu hộ.

- Kiểm tra các bồn chứa nước, trang bị hệ thống dây dẫn nước, các vật liệu có khả năng chữa cháy sẵn sàng chống cháy khi sự cố xảy ra.

- Kiểm tra tính an toàn của hệ thống đường dây điện, thay mới đường dây cũ.

  • Chuẩn bị các phương tiện tại chỗ sẵn sàng chữa cháy kịp thời và hiệu quả khi có hỏa hoạn xảy ra.

 

 

 

3. Xây dựng và củng cố lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ

            - Thực hiện vận dụng hiệu quả phương châm bốn tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư hậu cần tại chỗ để đạt hiệu quả cao nhất.

            - Xây dựng lực lượng PCCC& CNCH tại nhà trường

            - Triển khai nghiệp vụ PCCC& CNCH cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.

            - Chủ động quản lý tốt nguồn điện hoạt động tại nhà trường

            - Xây dựng phương án PCCC& CNCH tại chỗ. Lắp đặt nguồn nước hợp lý, có bể nước PCCC với thể tích 48mđủ nước sử dụng PCCC cho 3 khu dãy phòng học 3 tầng, dãy 2 tầng và khuôn viên nhà trường. Lập kế hoạch mua sắm trang thiết bị, phương tiện chữa cháy, bình cứu hỏa.

- Các bộ phận liên quan chuẩn bị đầy đủ dụng cụ:

+ Kìm, dây thép, đinh, búa, ni long, bình PCCC, câu liêm, bao bố, xô nước, cát …

- Công tác kiểm tra thường xuyên được tiến hành hàng ngày tại các phòng làm việc, kiểm tra tình hình thực hiện về quy định PCCC

-  Kiểm tra định kỳ: được tiến hành 1 tháng đối với:

+ Hệ thống điện

+ Bảo trì các trang thiết bị

+ Kiểm tra đường dây mối nối của hệ thống điện

+ Kiểm tra trang thiết bị PCCC

+ Kiểm tra sắp xếp lại trang thiết bị PCCC.

4. Phương án xử lý tình huống khi phát hiện cháy có ảnh hưởng đến trường:

a/. Trong giờ làm việc:

- CBGV, NV học sinh phát hiện cháy thông báo ngay cho Ban chỉ đạo, tất cả  bình tĩnh xác định điểm phát cháy,  khả năng lây lan để xây dựng phương án hỗ trợ dập tắt ngay.

- Khi nhận tin có cháy, CBGV, NV được phân công thực hiện tắt ngay cầu dao điện, sử dụng bình CO2 dập tắt ngay đám cháy, các đồng chí khác theo phân công sử dụng dây dẫn nước, các phương tiện khác như xô xách nước, bao bố, giẻ có tẩm nước dập tắt đám cháy.

- Thực hiện các biện pháp nhằm nhanh chóng dập tắt đám cháy, chuyển tài sản, tài liệu hồ sơ khỏi nơi xảy ra cháy.

b/. Ngoài giờ làm việc:

- Người phát hiện cháy phải bằng mọi cách báo ngay cho thành viên Ban chỉ đạo theo số điện thoại cố định hoặc di động. Báo cháy cho lực lượng PCCC chuyên nghiệp số 114

- Căn cứ nguyên nhân gây cháy để sử dụng bình CO2,    bình bột  hoặc dùng nước dập tắt đám cháy.

- Người được nhận thông tin phải nhanh chóng có mặt tại trường, điều động CBGV, NV đến hỗ trợ dập tắt đám cháy

- CBGV, NV khi nhận được điện thoại thông báo phải nhanh chóng đến hiện trường để phối hợp chữa cháy, cứu tài liệu, tài sản của nhà trường.

5/. Khắc phục hậu quả cháy nổ:

- Phối hợp với các cơ quan chức năng khắc phục hẩu quả cháy nổ.

- Chỉ đạo CBGV, NV và học sinh toàn trường tham gia vệ sinh khuôn viên trường.

- Giữ gìn vệ sinh môi trường sau cháy nổ xảy ra.

- Ổn định nhanh về nề nếp học tập cho học sinh sau cháy nổ.

6/. Tổ chức rút kinh nghiệm:

- Tổ chức rút kinh nghiệm về các nội dung:

                    + Chuẩn bị cho công tác phòng chống.

                    + Thực hiện nhiệm vụ được phân công.

                    + Phối hợp với chính quyền địa phương.

                    + Công tác khắc phục sau cháy nổ.

7/. Phối hợp với địa phương:

- Chấp hành nghiêm chỉnh sự chỉ đạo của Ban chỉ huy ngành và địa phương.

- Phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ huy địa phương để bảo vệ trường sở.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

           - Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức trong nhà trường về ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ.

           - Tham mưu với chính quyền địa phương có kê hoạch xây dựng, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất trường lớp, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho giáo viên và học sinh.

          - Cán bộ, giáo viên, nhân viên ở phòng nào phụ trách phòng đó, luôn chủ động kiểm tra nguồn điện khi sử dụng và hết giờ làm việc phải tắt hết nguồn điện và ngắt cầu giao điện.

          - Đối với phòng hội trường và các phòng học, giáo viên kiểm tra nguồn điện, ngắt cầu giao điện khi ra khỏi phòng, nhân viên bảo vệ có nhiệm vụ kiểm tra lại nguồn điện khi hết giờ làm việc, báo cho hiệu trưởng những giáo viên không chấp hành đúng quy định.

          - Thành lập Ban chỉ đạo PCCC

          *Trưởng ban: Bà Phạm Thị Huyền – Hiệu trưởng:

- Chịu trách nhiệm chỉ đạo và điều hành chung.

- Chủ động nắm bắt, tiếp nhận chỉ đạo của Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy quận Hải An, UBND phường Thành Tô để kịp thời quyết định những vấn đề liên quan đến giáo viên, học sinh, tài sản.

          * Phó ban : Bà Phạm Thị Vân Anh – Phó Hiệu trưởng:

- Tham mưu lập kế hoạch phòng cháy chữa cháy; kế hoạch điều động nhân lực cho công tác phòng cháy chữa cháy.

- Tham mưu và giám sát việc thực hiện kế hoạch phân công của các thành viên.

- Tổng hợp tình hình, báo cáo Phòng GD&ĐT quận Hải An những nội dung liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy.

- Trực tiếp chỉ huy về công tác phòng cháy chữa cháy, an toàn trường học trước và trong khi xảy ra cháy nổ.

- Phụ trách công tác khắc phục hậu quả cháy nổ cùng với các đồng chí được phân công, điều động.

- Thực hiện một số công việc khác do Trưởng ban giao.

          * Các ủy viên:

Theo vị trí công tác trường giao, hướng dẫn kiểm tra các thành viên dưới quyền phòng chống trước và trong khi xảy ra cháy nổ.

          * Bảo vệ: Ông Nguyễn Văn Xuân, Khoa Kim Sản:

          - Thực hiện sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo. hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công.

          - Thường xuyên kiểm tra, tắt cầu dao điện trong các phòng học, các khu vực khi hết giờ làm việc.

          - Ngoài giờ làm việc nếu phát hiện cháy phải hô to: Cháy, Cháy và dùng điện thoại báo cháy cho lực lượng PCCC chuyên nghiệp số 114, báo cho Trưởng ban. Sử dụng bình CO2,  hoặc nước dập tắt đám cháy.

Thực hiện chế độ thông tin báo cáo về Phòng GD&ĐT theo quy định (báo cáo thường xuyên cùng thời điểm với báo cáo tháng vào ngày 25 hàng tháng; báo cáo đột xuất khi có bất thường xảy ra hoặc công văn yêu cầu).

Trên đây là kế hoạch thực hiện công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ năm 2022 của trường tiểu học Thành Tô. Yêu cầu các đồng chí CB-GV-NV và học sinh thực hiện nghiêm túc kế hoạch này./.

 

Nơi nhận:

- PGD (báo cáo);

- Các thành viên trong BCĐ;

- Website trường;

- Lưu VT.

HIỆU TRƯỞNG

 

Phạm Thị Huyền

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hướng dẫn sử dụng bình chữa cháy bột và bình chữa cháy bột CO2

 

Bình chữa cháy (hay còn gọi là bình cứu hỏa) trên thị trường hiện nay phổ biến các bình chữa cháy phun khí CO2, phun bột, phun bọt. Nhưng bạn có biết cách sử dụng bình chữa cháy một cách an toàn?

 

Chúng tôi xin hướng dẫn các bạn cách sử dụng bình chữa cháy bột và bình chữa cháy bột CO2 một cách đầy đủ, chi tiết và an toàn qua bài viết dưới đây.

1. Bình chữa cháy CO2: MT3(3kg CO2) - MT5(5kg CO2)....

a) Cấu tạo

 

Cấu tạo của bình chữa cháy CO2.

b) Công dụng

- Bình chữa cháy CO2 là loại bình chữa cháy xách tay bên trong chứa khí CO2-790C được nén với áp lực cao, dùng để dập tắt các đám cháy nhỏ mới phát sinh: Đám cháy chất rắn, chất lỏng và hiệu quả cao đối với đám cháy thiết bị điện, đám cháy trong phòng kín, buồng hầm. Cách sử dụng và thao tác đơn giản thuận tiện, hiệu quả.

c) Cách sử dụng và nguyên lý chữa cháy

Khi xảy ra cháy, xách bình CO2 tiếp cận đám cháy, một tay cầm loa phun hướng vào gốc lửa tối thiểu là 0,5m còn tay kia mở khóa van bình. Khi mở van bình, do có sự chênh lệch về áp suất, CO2 lỏng trong bình thoát ra ngoài qua hệ thống ống lặn và loa phun chuyển thành dạng như tuyết thán khí, lạnh tới -790C. Khi phun vào đám cháy CO2 có tác dụng làm loãng nồng độ hỗn hợp hơi khí cháy, đồng thời làm lạnh vùng cháy dẫn tới triệt tiêu đám cháy.

Chú ý:Đọc hư­ớng dẫn, nắm kỹ tính năng tác dụng của từng loại bình để bố trí dập các đám cháy cho phù hợp.

  • Khi phun phải tắt hẳn mới ngừng phun.
  • Khi dập các đám cháy chất lỏng phải phun phủ lên bề mặt cháy, tránh phun sục xuống chất lỏng.
  • Khi phun tuỳ thuộc vào từng đám cháy mà chọn vị trí, khoảng cách đứng phun cho phù hợp.
  • Không nên sử dụng bình để dập các đám cháy ngoài trời. Nếu dùng, khi phun phải chọn đầu h­ướng gió.
  • Đề phòng bỏng lạnh. Chỉ đ­ược cầm vào phần nhựa, cao su trên vòi và loa phun.
  • Trước khi phun ở phòng kin, phải báo cho mọi người ra hết khỏi phòng, phải dự trù lối thoát ra sau khi phun.

d) Những điểm chú ý khi sử dụng bảo quản bình CO2

  • Không sử dụng bình khí CO2 để chữa các đám cháy có kim loại kiềm, kiềm thổ, than cốc, phân đạm. Vì khi phun khí CO2 vào đám cháy sẽ sinh ra phản ứng hoá học, trong phản ứng đó sẽ tạo ra khí CO là loại khí vừa độc hại vừa có nguy hiểm cháy nổ làm cho đám cháy phát triển phức tạp thêm.
  • Khi phun phải cầm vào phần nhựa của loa phun, tránh cầm vào phần kim loại và nhất là không để khí CO2 phun vào người sẽ gây bỏng lạnh. Không nên dùng bình khí CO2 chữa các đám cháy ở nơi trống trải, có gió mạnh vì hiệu quả thấp.
  • Khi chữa cháy các thiết bị có điện cao thế phải đi ủng và găng tay cách điện; chữa cháy trong phòng kín phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người.
  • Đặt bình ở nơi râm mát, dễ thấy, dễ lấy, thuận tiện khi sử dụng. Không để bình ở nơi có nhiệt độ cao quá 550C dễ gây hiện tượng tăng áp suất dẫn đến nổ bình nếu van an toàn không hoạt động.
  • Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế nếu thấy hỏng hóc các bộ phận của bình: Loa phun, vòi phun, van khoá. Thay thế những bình bị rò khí.
  • Phương pháp kiểm tra lượng CO2 trong bình: Phổ biến là phương pháp cân, nếu thấy lượng CO2 giảm so với lượng CO2 ban đầu là bình bị rò khí.

2. Bình bột chữa cháy

a) Cấu tạo

Cấu tạo của bình bột chữa cháy.

b) Công dụng

Bình chữa cháy bột là bình chữa cháy bên trong chứa khí N2 làm lực đẩy để phun bột dập tắt đám cháy. Tuỳ theo mỗi loại bình chữa cháy có thể dập tắt được các đám cháy chất rắn, lỏng, khí cháy, đám cháy điện và thiết bị điện mới phát sinh. Bột chữa cháy không độc, không dẫn điện, có hiệu quả cao; thao tác sử dụng bình đơn giản, dễ kiểm tra, dùng để chữa cháy những đám cháy nhỏ, mới phát sinh.

Các chữ cái A, B, C trên bình thể hiện khả năng dập cháy của bình chữa cháy đối với các đám cháy khác nhau. Cụ thể:

  • A: Chữa các đám cháy chất rắn như: gỗ, bông, vải, sợi...
  • B: Chữa các đám cháy chất lỏng như: xăng dầu, cồn, rượu...
  • C: Chữa các đám cháy chất khí như: gas (khí đốt hoá lỏng),...

Các số 2, 4, 8 thể hiện trọng lượng bột được nạp trong bình, đơn vị tính bằng kilôgam.

Ví dụ: Bình chữa cháy ký hiệu MFZ8, trên bình có ghi ABC là bình chữa cháy có thể dùng để chữa cháy hầu hết các đám cháy chất rắn, chất lỏng, chất khí dễ cháy...

c) Cách sử dụng

* Đối với loại xách tay: Khi có cháy xảy ra xách bình tới gẩn địa điểm cháy. Lắc xóc bình từ 3-4 lần để bột tơi, giật chốt hãm kẹp chì, chọn đầu hướng gió hướng loa phun vào gốc lửa. Giữ bình ở khoảng cách 1,5m tuỳ loại bình, bóp van bình để bột chữa cháy phun ra, khi khí yếu thì tiến lại gần và đưa loa phun qua lại để dập tắt hoàn toàn đám cháy.

* Đối với bình xe đẩy:

  • Đẩy xe đến chỗ có hỏa hoạn, kéo vòi rulo dẫn bột ra, hướng lăng phun bột vào gốc lửa.
  • Giật chốt an toàn (kẹp chì), kéo van chính trên miệng bình vuông góc với mặt đất.
  • Cầm chặt lăng phun chọn thuận chiều gió và bóp cò, bột sẽ được phun ra.

Khi mở van (tuỳ từng loại bình có cấu tạo van khoá khác nhau thì cách mở khác nhau) bột khô trong bình được phun ra ngoài nhờ lực đẩy của khí nén (nén trực tiếp với bột hoặc trong chai riêng) qua hệ thống ống dẫn. Khi phun vào đám cháy bột có tác dụng kìm hãm phản ứng cháy và cách ly chất cháy với ôxy không khí, mặt khác ngăn cản hơi khí cháy tiến vào vùng cháy dẫn đến đám cháy bị dập tắt.

Chú ý:

  • Đọc hướng dẫn, nắm kỹ tính năng tác dụng của từng loại bình để bố trí bình cho phù hợp.
  • Khi phun phải đứng ở đầu hướng gió (cháy ngoài); đứng gần cửa ra vào (cháy trong). Khi phun phải tắt hẳn mới ngừng phun.
  • Khi dập các đám cháy chất lỏng phải phun chất chữa cháy bao phủ lên bề mặt cháy, tránh phun xục trực tiếp xuống chất lỏng đề phòng chúng bắn ra ngoài, cháy to hơn.
  • Khi phun tuỳ thuộc vào từng đám cháy và lượng khí đẩy còn lại trong bình mà chọn vị trí, khoảng cách đứng phun cho phù hợp.
  • Bình chữa cháy đã qua sử dụng cần để riêng tránh nhầm lẫn.
  • Khi phun giữ bình ở tư thế thẳng đứng.

d) Những điểm chú ý khi sử dụng bảo quản bình bột chữa cháy

  • Để nơi dễ thấy, dễ lấy thuận tiện cho việc chữa cháy.
  • Đặt ở nơi khô ráo, thoáng gió, tránh những nơi có ánh nắng và bức xạ nhiệt mạnh, nhiệt độ cao nhất là 500C. Nếu để ngoài nhà phải có mái che.
  • Khi di chuyển cần nhẹ nhàng. Tránh tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao, thiết bị rung động.
  • Phải thường xuyên kiểm tra bình theo quy định của nhà sản xuất hoặc ít nhất 3 tháng/lần. Nếu kim chỉ dưới vạch đỏ thì phải nạp lại khí.
  • Kiểm tra khí đẩy thông qua áp kế hoặc cân rồi so sánh với khối lượng ban đầu. Kiểm tra khối lượng bột bằng cách cân so sánh.
  • Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế nếu thấy hỏng hóc các bộ phận của bình: Loa phun, vòi phun, van khoá. Thay thế những bình bị rò khí.

 

 

 

 

 

Hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy dạng bột mfz, bình chữa cháy co2

Phòng cháy chữa cháy là vấn đề đang được xã hội đặc biệt quan tâm nhất là những nơi chứa hóa chất, kho chứa nhiên liệu dễ cháy nổ và xăng dầu thì càng chú trọng vấn đề này nhiều hơn. Những nơi đó cần phải trang bị những thiết bị hỗ trợ cho những sự cố cháy nổ có thể xảy ra không thể không kể đến là bình chữa cháy. Vậy có bao nhiêu loại bình chữa cháy và cách sử dụng chúng như thế nào mới là an toàn và hiệu quả thì chúng ta hãy cùng nhau theo dõi qua bài viết Hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy dạng bột mfz, bình chữa cháy CO2 ngay sau đây.

Cách sử dụng bình chữa cháy dạng bột mfz

Bình chữa cháy dạng bột thông dụng nhất là bao gồm các bình có kỳ hiệu ABC-2, ABC-4, ABC-8 hoặc BC-2, BC-4, BC-8. Trong đó các chữ cái A,B và C được ký hiệu trên mỗi bình tượng trưng thể hiện tác dụng có khả năng khống chế các đám cháy của bình chữa cháy khác nhau. Cụ thể:

  • Ký hiệu A: có khả năng chữa các đám cháy dạng rắn như gỗ, bông, vải, sợi,…
  • Ký hiệu B: có khả năng chữa các đám cháy dạng lỏng như xăng dầu, cồn, rượu, hóa chất,…
  • Ký hiệu C: có khả năng chữa các đám cháy dạng khí như gas (khí đốt hóa lỏng),…
  • Ngoài ra các số 2,4 và 8 là đơn vị tính bằng kilogam thể hiện trọng lượng của bột được dung nạp trong bình

Đối với loại bình chữa cháy xách tay thì có cách sử dụng như sau:

  • Khi phát hiện đám cháy thì lập tức di chuyển bình đến gần vị trí xảy ra cháy
  • Cầm và lắc xốc bình chữa cháy một vài lần
  • Giật chốt hãm kẹp chì
  • Tìm và chọn hướng đầu gió phun vào gốc lửa
  • Cần giữ bình ở khoảng cách 1,5m với lửa tùy theo từng loại bình
  • Bóp vào van để bột chữa cháy có thể phun ra khống chế ngọn lửa
  • Khi khí đã yếu dần thì tiến lại gần đám cháy và phun vào qua lại để dập tắt hoàn toàn đám cháy đó

Đối với bình chữa cháy có xe đẩy thì có cách sử dụng như sau

  • Cũng di chuyển bình chữa cháy đến nơi phát hiện đám cháy và kéo vòi rulo để dẫn bột ra hướng phun vào gốc lửa
  • Giật chốt an toàn (chốt hãm kẹp chì) rồi kéo van chính trên miệng bình sao cho vuông góc với mặt đất
  • Cầm và giữ chặt lăng phun theo thuận chiều gió và bóp cò cho bột phun ra để khống chế và dập tắt đám cháy

Những lưu ý khi sử dụng bình chữa cháy dạng bột mfz

  • Cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, nắm rõ các tính năng tác dụng của mỗi loại bình để sắp xếp khống chế và dập tắt các đám cháy sao cho phù hợp trong mọi trường hợp
  • Với đám cháy bên ngoài thì khi phun vào đứng ở đầu hướng gió và đám cháy bên trong thì cần đứng ngay cửa ra vào để phun
  • Trong quá trình phun bình chữa cháy thì khi nào dập tắt hoàn toàn đám cháy thì mới ngừng phun
  • Khi khống chế đám cháy bằng chất lỏng thì phải phun phủ lên bề mặt đám cháy đó không nên phun vào trực tiếp chất lỏng đó để đề phòng chất lỏng đó bắn ra ngoài gây tình trạng cháy to hơn
  • Phụ thuộc vào từng đám cháy khác nhau mà lượng khí đẩy còn lại trong bình chữa cháy mà chọn nơi và khoảng cách đứng phun sao cho phù hợp để dập tắt hoàn toàn đám cháy
  • Cần để riêng biệt bình chữa cháy đã quá hạn sử dụng để tránh nhầm lẫn
  • Khi phun thì cần để thẳng thẳng đứng bình chữa cháy

Cách sử dụng bình chữa cháy CO2

Bình chữa cháy CO2 này thông thường sẽ dùng để dập tắt các đám cháy về thiết bị điện tử hay những đồ vật đồ dùng có giá trị hoặc là các thực phẩm bởi vì khi phun ra sẽ không bị ám lại chất chữa cháy là CO2 trên vật bị cháy nên sẽ không làm hư hại thêm các đồ vật đó.

Bình chữa cháy CO2 này phù hợp cho việc dập tắt các đám cháy ở vị trí như ở buồng, phòng, hầm, nơi kín không thông gió, bình chữa cháy CO2 này không các tác dụng đối với các đám cháy bên ngoài hay nơi thông gió vì khí CO2 bị khuếch tán nhanh với môi trường bên ngoài. Không sử dụng bình chữa cháy dioxit cacbon để khống chế và dập tắt hỏa hoạn do than hay kim loại nóng đỏ bởi vì: CO2 + M => MO + CO (trong đó có khí CO là một khí độc và dễ cháy nổ)

Bình chữa cháy CO2 được sử dụng như sau

  • Khi phát hiện ra sự hỏa hoạn thì cần mang bình chữa cháy đến điểm hỏa hoạn ngay lập tức và giật chốt hãm kẹp chì
  • Quan sát và chọn hướng đầu ngọn lửa, hướng tới và phun vào càng gần gốc lửa càng hiệu quả
  • Bóp van hoặc vặn van để khí tự phun ra để khống chế đám cháy
  • Đám cháy được dập tắt hoàn toàn thì mới ngưng phun

Những lưu ý khi sử dụng bình chữa cháy CO2

Không dùng bình chữa cháy CO2 để khống chế các đám cháy liên quan đến kim loại kiềm, kiềm thổ, than cốc, phân đạm. Bởi vì khí CO2 khi được phun vào đám cháy sẽ gây ra các phản ứng hóa học, nó sẽ tạo ra khí MO và CO trong đó có khí CO là khí vô cùng độc hại và có tính chất dễ dàng cháy nổ gây tình trạng đám cháy phát triển phức tạp hơn và nguy hiểm hơn

  • Trong quá trình phun cần phải chú ý nắm vào phần gỗ hoặc phần nhựa của loa phun, sẽ bị bỏng lạnh nếu như chúng ta cầm vào phần kim loại và nhất là để khí CO2 phun vào trúng người
  • Tuyệt đối không sử dụng bình chữa cháy CO2 để chữa các đám cháy ở nơi trống trãi, có gió mạnh vì CO2 dễ dàng khuếch tán trong không khí nên sẽ làm giảm tác dụng hiệu quả trong việc dập lửa
  • Khi chữa cháy ở những nơi có điện cao thế thì phải đi ủng và sử dụng găng tay cách điện, chữa cháy trong phòng kín thì cần phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho người sử dụng bình chữa cháy
  • Cần đặt bình chữa cháy ở những nơi thông thoáng dễ thấy dễ lấy để luôn trong tư thế sẵn sàng khi có hỏa hoạn. Không để bình ở nơi có nhiệt độ quá 55 độ C vì sẽ dễ gây nên hiện tượng tăng áp suất và có nguy cơ bị nổ bình nếu van an toàn không có tác dụng
  • Cần thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hoặc thay thế nếu có hư hỏng các bộ phận của bình như loa phun, vòi phun, van khóa. Cần sửa chữa và thay thế những bình đã quá cũ, bị gỉ sét để đảm bảo độ an toàn tuyệt đối

 

Tiểu học Thành Tô

Địa chỉ: 20.82624321674556, 106.71652013288846